1. Vị trí địa lý
Thanh Hoá nằm ở cực Bắc Miền Trung, cách Thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh 1.560km.
- Phía Bắc giáp với ba tỉnh Sơn La, Hoà Bình và Ninh Bình
- Phía Nam giáp tỉnh Nghệ An
- Phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn (nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào)
- Phía Đông là Vịnh Bắc Bộ.
Thanh Hoá nằm trong vùng ảnh hưởng của những tác động từ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, các tỉnh Bắc Lào và vùng trọng điểm kinh tế Trung bộ, ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ, có hệ thống giao thông thuận lợi như:
- Đường sắt xuyên Việt, đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 1A, 10, 45, 47, 217
- Cảng biển nước sâu Nghi Sơn
- Hệ thống sông ngòi thuận tiện cho lưu thông Bắc Nam, với các vùng trong tỉnh và đi quốc tế
Hiện tại, Thanh Hóa có sân bay Sao Vàng và đang dự kiến mở thêm sân bay quốc tế sát biển phục vụ cho Khu kinh tế Nghi Sơn và khách du lịch.
2. Khí hậu
Thanh Hoá nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt.
- Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1600-2300mm, mỗi năm có khoảng 90-130 ngày mưa. Độ ẩm tương đối từ 85% đến 87%, số giờ nắng bình quân khoảng 1600-1800 giờ. Nhiệt độ trung bình 230C – 240C, nhiệt độ giảm dần khi lên vùng núi cao .
- Hướng gió phổ biến mùa Đông là Tây bắc và Đông bắc, mùa hè là Đông và Đông nam.
- Đặc điểm khí hậu thời tiết với lượng mưa lớn, nhiệt độ cao, ánh sáng dồi dào là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
3. Địa hình
Địa hình Thanh Hoá khá phức tạp, chia cắt nhiều và thấp dần theo hướng Tây – Đông. Từ phía Tây sang phía Đông có các dải địa hình núi, trung du, đồng bằng và ven biển. Trong tổng diện tích 11.129,48 km2 thì địa hình núi, trung du chiếm 73,3% ; đồng bằng 16% và vùng ven biển 10,7%. Bao gồm có 3 dạng địa hình: núi và trung du; đồng bằng ven biển.
- Địa hình núi có độ cao trung bình 600 -700m, độ dốc trên 250; ở đây có những đỉnh núi cao như Tà Leo (1560 m) ở hữu ngạn sông Chu, Bù Ginh (1291m) ở tả ngạn sông Chu.
- Địa hình trung du có độ cao trung bình 150 – 200m, độ dốc 12 – 200, chủ yếu là các dạng đồi thấp, đỉnh bằng, sườn thoải. Dạng địa hình này rất đặc biệt, chỉ nhấp nhô lượn sóng và rất thoải.
- Đồng bằng châu thổ Thanh Hoá được cấu tạo bởi phù sa hiện đại, trải dài trên một bề mặt rộng hơi nghiêng về phía biển ở mé Đông Nam. Rìa Bắc và Tây Bắc là dải đất cao được cấu tạo bởi phù sa cũ của sông Mã, sông Chu, cao từ 2 – 15m.
4. Dân cư
Theo Niên giám Thống kê Thanh Hóa năm 2014, tỉnh Thanh Hoá có 3.496.600 người, là tỉnh có số dân đông thứ ba trong cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội) và là tỉnh đông dân nhất so với sáu tỉnh Bắc Trung Bộ.
Là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất (84,4%), người Mường (8,7%), người Thái (6%). Các dân tộc thiểu số khác như Mông, Dao, Tày, Sán Dìu, Hoa, Cao Lan, Thổ… chiếm tỷ lệ không đáng kể (gần 1%). Tính đa dạng về thành phần dân tộc là lợi thế cho sự phát triển văn hóa, du lịch song cũng là những khó khăn cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh.