Tổng quan về tỉnh Cà Mau

1. Giới thiệu chung

Cà Mau là vùng đất cực Nam Tổ quốc, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhờ có lợi thế về vị trí địa lý 3 mặt giáp biển cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế – văn hóa – du lịch.

2. Vị trí địa lý

Cà Mau là tỉnh cực nam của Việt Nam, thuộc khu vực Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Cà Mau nằm ở 8o34’ đến 9o33’ vĩ độ Bắc và 104o43’ đến 105o25′ kinh độ Đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh 370 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km về phía nam. Theo đường chim bay, từ bắc tới nam dài 100 km.

Phía bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông bắc giáp tỉnh Bạc Liêu,  phía đông và đông nam giáp biển Đông và phía tây giáp Vịnh Thái Lan. Cà Mau nằm trên bán đảo, có vị trí địa lý khá đặc biệt, với ba mặt tiếp giáp biển. Mũi Cà Mau là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ mặt biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống mặt biển Tây vào buổi chiều. Cà Mau nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á nên rất thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực.

3. Dân cư
Tính đến đầu năm 2017, dân số tỉnh Cà Mau có 1.223.191 người, với 613.042 nam và 610.149 nữ; tổng số 290.846 hộ. Trong đó: Ở thành thị, có 69.015 hộ, với 276.385 người. Ở nông thôn, có 221.831 hộ, với 946.806 người. Tỷ lệ sinh 14,55%. Tỷ lệ chết 4,95%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 0,96%. Mức giảm tỷ lệ sinh 0,02%.

4. Khí hậu
Cà Mau là tỉnh đồng bằng ven biển, nằm trong khu vực nội chí tuyến bắc bán cầu, cận xích đạo, đồng thời nằm trong khu vực gió mùa châu Á nên khí hậu Cà Mau ôn hoà thuộc vùng cận xích đạo, nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa mưa nắng rõ rệt.

Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, trung bình từ 170 đến 200 ngày/ năm. Vùng biển phía tây và khu vực tây nam của tỉnh, mùa mưa mưa thường bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn các khu vực khác. Lượng mưa trung bình giữa các tháng vào mùa mưa chênh lệch nhau không nhiều và nằm trong khoảng từ 200mm đến 400mm/ tháng.

Mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm dao động từ 26,6oC đến 27,7oC; nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4 và tháng 5, khoảng 28,6oC. Riêng từ năm 2001 đến 2005 nhiệt độ trung bình tháng 4 dao động từ 29,2oC đến 29,7oC. Nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1, khoảng 25,6oC. Như vậy, chênh lệch nhiệt độ trung bình giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất khoảng 3oC.

Giờ nắng trung bình cả năm 2.269 giờ. Lượng bốc hơi trung bình hàng năm khoảng 1.000 mm; mùa khô (tháng 3 – tháng 4) có lượng bốc hơi gần 130 mm/tháng. Độ ẩm trung bình năm là 83%, mùa khô độ ẩm thấp, đặc biệt vào tháng 3, độ ẩm thường đạt khoảng 50%.

Chế độ gió vừa chịu ảnh hưởng của đặc trưng cho vùng nhiệt đới lại vừa chịu ảnh hưởng của các cơ chế gió mùa khu vực Đông Nam Á. Hằng năm, có 2 mùa gió chủ yếu: gió mùa đông (gió mùa đông bắc) từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau và gió mùa hạ (gió mùa tây nam), bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô hướng gió thịnh hành theo hướng đông bắc và đông. Mùa mưa gió thịnh hành theo hướng tây nam hoặc tây. Tốc độ gió trung bình hàng năm ở Cà Mau nhỏ, trong đất liền chỉ từ 1,0 đến 2,0m/giây, ngoài khơi gió mạnh hơn cũng chỉ đạt 2,5 đến 3,5m/giây. Vào mùa mưa, thỉnh thoảng có dông hay lốc xoáy tới cấp 7, cấp 8. Bão tuy có nhưng không nhiều và không lớn. Thời tiết, khí hậu ở Cà Mau thuận lợi cho phát triển ngư – nông – lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

5. Tài nguyên thiên nhiên

Cà Mau là vùng đất giàu tài nguyên rừng và biển. Ngoài ra, tài nguyên đất, khoáng sản cũng rất phong phú:

Tài nguyên rừng: Hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích khoảng 54.000 ha với 46 loài thực vật, tiêu biểu như mắm, đước, giá, dà vôi, vẹt… Thảm thực vật úng phèn của Cà Mau có 173 loài, giá trị nhất là cây tràm với tổng diện tích gần 38.000 ha.

Tài nguyên biển:

Bờ biển Cà Mau dài 254 km, chiếm 7,7% chiều dài bờ biển cả nước. Diện tích vùng biển rộng trên 71.000 km2, là một trong 4 ngư trường trọng điểm của Việt Nam với những loài thủy sản có giá trị và sản lượng lớn như tôm, mực, ghẹ, cá thu, cá chim, cá mú…

Biển Cà Mau tiếp giáp với các nước Campuchia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, gần tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi giao lưu, hợp tác kinh tế biển.
Vùng biển Cà Mau có nhiều cụm đảo lớn nhỏ như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc. Những đảo này là điểm hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tài nguyên đất:

Cà Mau là vùng đất mới do phù sa bồi tụ, được hình thành bởi 2 dòng hải lưu ở biển Đông và Vịnh Thái Lan, nhận phù sa của sông Cửu Long bồi đắp. Nhìn chung đất đai của tỉnh là đất trẻ, mới được khai phá sử dụng, có độ phì nhiêu trung bình khá, hàm lượng chất hữu cơ cao nhưng do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên thích hợp cho việc nuôi trồng thủy sản, trồng rừng ngập mặn, ngập lợ.

Tài nguyên khoáng sản:

Biển Cà Mau đã phát hiện có trữ lượng dầu khí khá lớn, nhiều triển vọng khai thác và phát triển công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển khí Tây Nam và nghiên cứu khả thi đường ống dẫn khí Tây Nam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, tại vùng bồn trũng Malay – Thổ Chu phía Tây Nam đã có các phát hiện về khí có giá trị tại khu vực PM – 3 – CAA. Chỉ riêng các khu vực đang thăm dò, khai thác và một số lô có tài liệu khảo sát đã cho trữ lượng tiềm năng khoảng 172 tỷ m3, trong đó đã phát hiện 30 tỷ m3. Khả năng phát triển và khai thác tối đa các mỏ khí dự báo có thể đạt sản lượng khai thác đỉnh là 8,25 tỷ m3/năm.

6. Giao thông

Thành phố Cà Mau (cách thành phố Hồ Chí Minh 380 km, cách thành phố Cần Thơ 180 km) nằm trên trục quốc lộ 1 đi từ Cần Thơ đến Năm Căn và quốc lộ 63, đi Kiên Giang và nhiều tuyến sông lớn như Gành Hào, Quản Lộ – Phụng Hiệp, kinh xáng Bạc Liêu chảy ngang nên giao thông rất thuận tiện.
Cảng biển quốc tế Năm Căn nằm trong hệ thống cảng biển thương mại quốc tế có vị trí quan trọng trong việc trung chuyển hàng hóa tới các vùng nội địa và quốc tế. Cảng nước sâu Hòn Khoai là cảng tổng hợp quốc gia, cảng trung chuyển quốc tế khu vực ASEAN.
Cảng hàng không Cà Mau có 7 chuyến bay/tuần đi tuyến thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại bằng máy bay ATR72, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

7. Mở rộng đầu tư vào khu công nghiệp

Hiện nay toàn tỉnh có 3 KCN (Hoà Trung, Khánh An và Sông Ðốc); 1 KKT (Năm Căn). Với nỗ lực trong mời gọi đầu tư, các KKT, KCN, đã có 51 dự án được cấp phép đầu tư còn hiệu lực, có tổng vốn đăng ký hơn 21.088 tỷ đồng. Ðến thời điểm này có 30 dự án đã đi vào hoạt động và 21 dự án đang giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Lĩnh vực hoạt động của các DN chủ yếu tập trung vào chế biến thuỷ sản, thức ăn và phế phẩm, công nghiệp chế biến khí, bao bì, vật liệu xây dựng… Các dự án đầu tư trong các KKT, KCN không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh mà còn tạo ra việc làm ổn định cho hơn 2.930 lao động địa phương.

Chào bạn, bạn đang xem IMQ Group, thành lập năm 2004, là tập đoàn đa lĩnh vực, hỗ trợ khách hàng từ lúc bắt đầu dự án đầu tư và xuyên suốt quá trình vận hành doanh nghiệp. Bạn có muốn IMQ Group hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin định kỳ!

Đăng ký Tư vấn & nhận Bản tin IMQ Group

Chào bạn, bạn đang xem IMQ Group, thành lập năm 2004, là tập đoàn đa lĩnh vực, hỗ trợ khách hàng từ lúc bắt đầu dự án đầu tư và xuyên suốt quá trình vận hành doanh nghiệp. Bạn có muốn IMQ Group hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin định kỳ!

Đăng ký Tư vấn & nhận Bản tin IMQ Group