Tối ưu hóa sản xuất giữa lạm phát và cải tiến chất lượng

Cải tiến năng suất  và chất lượng là giải pháp lâu dài cho các doanh nghiệp trong tình hình lạm phát hiện nay.

Với mức lạm phát cả năm có thể lên đến 15%, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là áp lực về tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, giá thuê văn phòng và tăng lương. Trước tình hình này, giải pháp của nhiều doanh nghiệp là tăng giá bán để giảm nhẹ gánh nặng chi phí.

Cải tiến năng suất   

Doanh nghiệp cần biết sử dụng hiệu quả thời gian của người lao động để tăng năng suất.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu hiện nay, quan điểm trên cần xem xét lại, vì giá bán là do khách hàng quyết định chủ doanh nghiệp không thể áp đặt một cách chủ quan. Hơn nữa, khách hàng hiện nay là khách hàng toàn cầu và họ không chỉ có một sản phẩm để lựa chọn. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa, kể cả tiền lương, luôn thay đổi theo quy luật cung cầu và quy luật giá trị. Nếu cầu tăng mà cung hạn chế thì sẽ dẫn đến tăng giá và ngược lại. Giá trị hàng hóa và giá trị tiền tệ cũng có mối quan hệ mật thiết. Nếu lượng tiền tăng, sẽ kéo theo việc tăng lượng hàng tương ứng. Nếu không có đủ lượng hàng theo tỉ lệ tăng cung tiền, thì giá sẽ tăng để đạt được cân bằng giá trị. Hai quy luật này sẽ chi phối lẫn nhau và quyết định giá bán hàng hóa.

Do đó, để ứng phó với nạn lạm phát, giải pháp trước mắt là thương lượng với nhà cung cấp, người lao động; trong trung hạn là tăng năng suất, cải tiến chất lượng, tạo sự khác biệt rõ ràng cho sản phẩm để tăng giá trị gia tăng; về lâu dài là hướng đến giá trị thương hiệu và sự trung thành của khách hàng để giảm chi phí bán hàng, vốn chiếm tỉ trọng khá lớn trong giá thành.

Tuy nhiên, một thực tế tại nhiều doanh nghiệp là yếu tố năng suất thường bị xem nhẹ, vì họ cho rằng, nếu đầu tư cho năng suất thì sẽ phát sinh thêm chi phí quản lý, nghiên cứu cải tiến năng suất, trong khi không chắc đạt được kết quả. Ngoài ra, còn một yếu tố tế nhị nữa là doanh nghiệp có nhiều khoản thu chi không biết hạch toán như thế nào, nên khi tiến hành hạch toán năng suất (tức tính toán hiệu suất đầu vào và đầu ra), thì càng rối rắm. Nếu doanh nghiệp không đo lường được năng suất, thì nói chi đến chuyện quản lý. 

Giải pháp cho vấn đề trên cũng không phải là khó. Vấn đề là tất cả mọi thành viên trong công ty cần có tinh thần hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong hoạt động. Trước tiên là bài toán năng suất của lãnh đạo. Cần phải tính toán việc đầu tư sao cho hiệu quả và mang tính lâu dài nhằm đảm bảo cuộc sống hiện tại và trong tương lai của người lao động. Có như thế mới tạo được lòng tin của họ với doanh nghiệp. 

Người lãnh đạo phải tôn trọng giá trị của con người trong công việc, biết sử dụng thời gian của họ một cách hiệu quả để tăng năng suất lao động. 

Một vấn đề cũng quan trọng không kém là hoạch định hệ thống, bố trí nhà xưởng, văn phòng, kho bãi sao cho hợp lý, giảm thời gian di chuyển giữa các phòng, ban, trong dây chuyền sản xuất, tổ chức quy trình công việc, quy trình sản xuất tối ưu, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, làm giảm thời gian chờ đợi, ít bị tồn kho, đọng vốn, thu thập sáng kiến của nhân viên, khen thưởng và động viên kịp thời, khuyến khích sự sáng tạo trong sản xuất, góp phần tạo bầu không khí hăng say lao động và văn hóa cải tiến trong doanh nghiệp. Có thể nói, 80% năng suất của hệ thống là do khâu này quyết định. Phần còn lại là ở cấp thừa hành, trong đó quan trọng là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các phòng ban và tính chủ động trong triển khai công việc.

Chuẩn hóa thao tác

Các doanh nghiệp có thể kết hợp với những đơn vị có cùng chủng loại sản phẩm và thao tác để giảm chi phí. Nhà nước có thể phối hợp với các doanh nghiệp để tiến hành tổ chức phát hành các đĩa CD hướng dẫn thao tác chuẩn theo từng ngành cụ thể. Điều này sẽ giảm đáng kể chi phí trong việc chuẩn hóa thao tác. Cuối cùng là cần phải thường xuyên tổ chức trao đổi, huấn luyện, nâng cao ý thức của nhân viên về năng suất và hiệu quả công việc. Mục đích là nhằm xây dựng một nền văn hóa cải tiến, tiết kiệm, năng suất chất lượng hướng tới giá trị gia tăng cao trong tổ chức.

Nguồn: NGUYỄN QUỐC MINH (Tổng Giám đốc IMQ Group)

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Để tham khảo thêm các bài viết liên quan hãy nhấn tại đây!

Chào bạn, bạn đang xem IMQ Group, thành lập năm 2004, là tập đoàn đa lĩnh vực, hỗ trợ khách hàng từ lúc bắt đầu dự án đầu tư và xuyên suốt quá trình vận hành doanh nghiệp. Bạn có muốn IMQ Group hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin định kỳ!

Đăng ký Tư vấn & nhận Bản tin IMQ Group

Chào bạn, bạn đang xem IMQ Group, thành lập năm 2004, là tập đoàn đa lĩnh vực, hỗ trợ khách hàng từ lúc bắt đầu dự án đầu tư và xuyên suốt quá trình vận hành doanh nghiệp. Bạn có muốn IMQ Group hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin định kỳ!

Đăng ký Tư vấn & nhận Bản tin IMQ Group